Trong thiết kế nội thất, ánh sáng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra không gian đẹp và hài hòa. Ngoài các yếu tố cốt lõi như phong cách thiết kế, bố trí mặt bằng, và sự sử dụng chức năng, màu sắc của các vật liệu, ánh sáng chính là một yếu tố quyết định. Bằng cách khéo léo tận dụng ánh sáng tự nhiên và kết hợp với ánh sáng nhân tạo, bạn có thể biến không gian nội thất của mình trở nên đẹp hơn, từ tổng thể đến chi tiết, và tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với người sử dụng và thậm chí thay đổi cảm xúc của họ. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu về "Nguyên tắc bố trí ánh sáng trong thiết kế nội thất".
I. Phân loại ánh sáng trong thiết kế nội thất
A. Theo đặc điểm, cấu tạo:
1. Ánh sáng tự nhiên:
Ánh sáng tự nhiên là loại ánh sáng xuất phát từ nguồn tự nhiên như mặt trời, mặt trăng, hay ngôi sao. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối không gian sống bên trong với môi trường bên ngoài. Sử dụng ánh sáng tự nhiên có thể tạo ra một không gian sống thoải mái và ấm cúng. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn làm cho màu sắc trong không gian trở nên thực tế và tôn lên vẻ đẹp tự nhiên của nó.
2. Ánh sáng nhân tạo
Ánh sáng nhân tạo là nguồn ánh sáng được tạo ra bởi con người thông qua sử dụng các thiết bị chiếu sáng như đèn. Nó được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu và mục đích sử dụng của con người. Sự tạo ra ánh sáng nhân tạo cho phép người ta điều chỉnh cường độ và màu sắc theo ý muốn bằng cách sử dụng đèn và cách bố trí phù hợp với không gian cụ thể. Điều này tạo điểm mạnh cho ánh sáng nhân tạo, cho phép nó linh hoạt và có thể tùy chỉnh theo nhu cầu và sở thích của người sử dụng một cách hiệu quả.
B. Theo góc và vùng chiếu sáng:
1. Ánh sáng tổng thể
Đó là ánh sáng tỏa rộng bao phủ toàn không gian. Đây là một loại chiếu sáng rất phổ biến, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp ánh sáng chung cho một không gian. Các loại đèn thường sử dụng để tạo ánh sáng tỏa rộng này bao gồm đèn chùm, đèn downlight hoặc đèn ốp trần, với tia sáng hướng xuống và góc chiếu lớn, thường lớn hơn 60⁰.
2. Ánh sáng tập trung
Ánh sáng tập trung là loại ánh sáng được áp dụng cho từng không gian cụ thể. Thường được sử dụng trong nội thất như phòng khách, phòng ngủ, bếp, phòng làm việc, v.v. Loại ánh sáng này cho phép người dùng tập trung vào công việc với mức độ tập trung cao, cung cấp khả năng quan sát tốt hơn và nâng cao chất lượng công việc như may vá, đọc sách, viết lách, nấu ăn, v.v. Các loại đèn thường được sử dụng để tạo ánh sáng tập trung bao gồm đèn treo trần, đèn spotlight, v.v., với tia sáng hướng xuống và góc chiếu rộng từ 30-60⁰.
3. Ánh sáng trọng tâm
Đây là loại ánh sáng được sử dụng chủ yếu cho mục đích trang trí hơn là để chiếu sáng chức năng. Bố trí ánh sáng trong nội thất nhằm nhấn mạnh và làm nổi bật các vật phẩm, chi tiết trang trí mà gia chủ muốn thu hút sự chú ý, chẳng hạn như tranh treo tường, biểu trưng, hay các món đồ trưng bày khác. Để đạt được mục tiêu này, bạn có thể sử dụng các loại đèn chiếu điểm, đèn soi tranh, đèn chiếu gương, hoặc đèn cây với ánh sáng tập trung để tạo ra hiệu ứng trang trí theo ý muốn một cách dễ dàng.
II. Nguyên tắc bố trí ánh sáng trong thiết kế nội thất
Việc kết hợp ánh sáng trong không gian nội thất đem lại những ảnh hưởng không hề nhỏ tới tổng thể cách phối màu hay sự thay đổi của màu sắc trong toàn bộ căn phòng. Ánh sáng tạo ra chiều sâu, chiều cao, điểm nhấn và giúp thu hút sự chú ý đến các khu vực mà bạn muốn tạo ấn tượng trong không gian. Giả sử bạn muốn làm nổi bật một tác phẩm nghệ thuật ở trên tường, bạn sẽ cần đèn chiếu xuống để làm nổi bật, đồng thời kết hợp với một vùng tối hơn xung quanh sẽ giúp thu hút ánh mắt của chúng ta đến bức tranh hơn.
Công thức chung tính số lượng đèn cần sử dụng trong quá trình thiết kế nội thất:
Số đèn cần dùng = (Diện tích cần chiếu sáng x Độ rọi tiêu chuẩn) / (Công suất đèn x Quang thông)
1. Thiết kế, bố trí chiếu sáng cho nhà ở
1.1 Nguyên tắc bố trí ánh sáng cho phòng khách
Ban ngày, bạn có thể tận dụng ánh sáng tự nhiên để làm cho phòng khách trở nên tươi sáng và thoáng đãng. Vào ban đêm, để tạo điểm nhấn cho phòng khách, bạn nên sử dụng đèn chùm hoặc đèn chiếu sáng tập trung, hoặc đèn chiếu sáng gián tiếp. Đây là sự lựa chọn thích hợp để tạo ra không gian phòng khách ấm áp và gần gũi.
Trong phòng khách, ánh sáng tổng thể có thể được kết hợp với ánh sáng tập trung vào điểm nhấn. Cách sử dụng ánh sáng trong phòng khách nên phụ thuộc vào màu sơn tường và thiết kế nội thất. Bố trí các đèn trên tường với khoảng cách đều nhau có thể giúp tăng cường hiệu suất chiếu sáng. Hãy cân nhắc lắp đặt các sản phẩm chiếu sáng để tạo điểm nhấn một cách hợp lý, làm nổi bật các vật phẩm hoặc góc cụ thể trong phòng. Ví dụ, bạn có thể lắp đèn ở nhiều vị trí khác nhau trên trần hoặc tường để tạo ánh sáng tập trung vào một bức tranh, lọ hoa hoặc vật trang trí cụ thể.
- Một vài cách bố trí thiết kế ánh sáng phòng khách cơ bản:
- Xác định số lượng đèn cần thiết dựa trên diện tích và mục đích sử dụng của phòng khách. Điều này sẽ giúp xác định tổng lượng ánh sáng cần thiết.
- Lựa chọn loại đèn dựa vào loại trần nhà và thiết kế nội thất. Ví dụ, trần phẳng, trần gắn cấp, trần bê tông, hoặc trần thả có thể yêu cầu các loại đèn khác nhau.
- Đảm bảo không gian phòng khách được chiếu sáng đủ tốt. Ưu tiên sử dụng ánh sáng tổng thể có nhiệt độ màu khoảng 4000K-5000K để tạo cảm giác tươi sáng và thoải mái. Độ sáng tối thiểu cần thiết thường là khoảng 200 - 300 lux.
- Sử dụng các loại đèn như đèn chùm, đèn hắt trần, đèn treo,... Các loại đèn này thường nên được bố trí ở trung tâm của căn phòng, kết hợp với đèn chiếu sáng trọng tâm như Spotlight để tạo điểm nhấn và tạo cảm giác ấm áp và sang trọng cho không gian phòng khách.
- Khi treo đèn chùm, khoảng cách từ đáy đèn chùm đến mặt sàn thường nên là khoảng 2,1 - 2,3m. Đèn âm trần nên cách nhau từ 1m - 1,2m. Đối với đèn LED, sử dụng các loại có công suất từ 6W - 9W với khoảng cách 1m2 cho phòng khách. Các đèn spotlight nên được cách nhau khoảng 30 - 50cm, với công suất từ 7W - 12W.
Những nguyên tắc này giúp tạo ra một không gian phòng khách được chiếu sáng hiệu quả và hấp dẫn, đáp ứng cả mục tiêu chiếu sáng chức năng và trang trí.
1.2. Nguyên tắc bố trí ánh sáng cho cầu thang, hành lang
- Khi thiết kế chiếu sáng cho hành lang, cầu thang và khu vực tiền sảnh, nên xem xét việc sử dụng ánh sáng gián tiếp, vì đây thường là lựa chọn tốt nhất.
- Đối với hành lang, có thể sử dụng đèn LED hoặc đèn chiếu sáng sâu trong tường để tạo cảm giác ấm cúng và loại bỏ sự heo hút. Ánh sáng gián tiếp tạo ra một không gian thoải mái và dễ chịu trong hành lang.
- Cầu thang cần xem xét việc sử dụng đèn áp trần để chiếu sáng thẳng hoặc đèn vách để tạo sự linh hoạt và thẩm mỹ. Điều này có thể tạo ra một không gian an toàn và thuận tiện khi di chuyển qua cầu thang.
- Để xác định số lượng đèn cần dùng, bạn cần tính toán tổng diện tích của hành lang và cầu thang. Điều này giúp tránh sự lãng phí hoặc thiếu ánh sáng.
1.3. Nguyên tắc bố trí ánh sáng cho phòng bếp và phòng ăn
Phòng bếp và phòng ăn là không gian sum họp của gia đình. Vì vậy, trong quá trình thiết kế, bạn nên đảm bảo không gian này có được ánh sáng dịu nhẹ, ấm cúng. Khi lắp đặt hệ thống chiếu sáng cho phòng bếp, bạn cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Ưu tiên đèn LED thay vì đèn sợi đốt hoặc huỳnh quang. Bởi đèn LED vừa đảm bảo ánh sáng, vừa tiết kiệm điện và có tuổi thọ cao.
- Một vài cách bố trí thiết kế ánh sáng phòng bếp cơ bản
+ Trong quá trình thiết kế, cần phác thảo và xác định rõ các khu vực ánh sáng.
+ Tính số lượng đèn
+ Sử dụng ánh sáng đủ tiêu chuẩn. Trong đó, độ rọi phù hợp cho nhà bếp phòng ăn là >= 500 lux, chỉ số hoàn màu Ra >= 90. Nên sử dụng ánh sáng vừa phải kết hợp với ánh sáng tự nhiên. Các loại đèn có màu sắc ấm như vàng, da cam,..sẽ giúp kích thích vị giác trở nên ấm cũng và tạo sự ngon miệng khi dùng bữa.
Bảng tiêu chuẩn ánh sáng tại phòng bếp
+ Ưu tiên sử dụng ánh sáng tập trung từ 3000K – 4500K
+ Đối với đèn thả trần: Nếu trần nhà cao tầm 2,4m thì độ cao treo đèn khoảng 75-85cm tính từ mặt bàn. Nếu trần nhà dưới 2,4m đèn nên treo cao hơn từ 90-100cm.
+ Đối với đèn led âm trần nên sử dụng loại 9w-12w để đáp ứng được mức độ sáng cần thiết. Nếu trần phòng bếp < 2m8 thì khoảng cách lắp đặt từ đèn này qua đèn kia là 1m5. Nếu trần phòng bếp > 2m8 thì khoảng cách lắp đặt từ đèn này qua đèn kia là 1m2.
+ Ưu tiên sử dụng đèn downlight cho khu vực nấu ăn và tủ bếp. Công suất đèn phù hợp cho khu vực này là 6 - 9W. Với tủ bếp có lam tủ rộng thì khoảng cách lắp đặt từ đèn này qua đèn kia là 1m. Với tủ bếp có lam tủ hẹp thì khoảng cách lắp đặt đèn này qua đèn kia là 0,8m.
1.4. Nguyên tắc bố trí ánh sáng cho phòng ngủ
Phòng ngủ được biết đến không chỉ là nơi nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày dài làm việc mà nó còn thể hiện cá tính, chất riêng và gu thẩm mỹ độc đáo của gia chủ. Do đó việc thiết kế ánh sáng cũng rất quan trọng. Các sản phẩm đèn spotlight có thể bật tắt tùy chỉnh ở từng khu vực, tạo nên các kịch bản chiếu sáng khác nhau sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho không gian phòng ngủ hiện đại của bạn.
Một trong những nguyên tắc quan trọng trong cách bố trí đèn phòng ngủ là cần lắp đặt công tắc đèn một cách hợp lý. Điều này không chỉ tạo sự thuận tiện trong quá trình sử dụng mà còn tăng tính thẩm mỹ cho căn phòng. Bạn nên ưu tiên lắp công tắc điều chỉnh đèn ở ngay cửa ra vào hoặc ở 2 bên đầu giường. Ngoài ra, với mỗi loại đèn lắp đặt ở những khu vực khác nhau thì nên dùng công tắc đèn độc lập, riêng biệt.
Cuối cùng, dù bố trí đèn phòng ngủ theo phong cách nào thì cũng cần kết hợp hài hoà giữa ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. Việc kết hợp thêm ánh sáng tự nhiên sẽ đem đến tác động tích cực cho sức khỏe, cảm xúc và tinh thần của con người.
Có thể nói, việc bố trí ánh sáng phù hợp trong Thiết kế nội thất giúp hoàn thiện vẻ đẹp cho toàn bộ không gian, đồng thời giúp đáp ứng các nhu cầu về công năng sử dụng một cách linh hoạt tùy thuộc vào yêu cầu của người dùng. Trên đây là một vài gợi ý về cách bố trí linh hoạt ánh sáng trong Không gian thiết kế Nội thất. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp cho bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của Bố trí ánh sáng trong Thiết kế nội thất cũng như sẽ đưa ra cho mình những quyết định phù hợp với công trình của mình nhất.